Trường hợp đã phân bổ dự toán nhưng ngân sách nhà nước có sự biến động thì phải làm thế nào? Khi nào được ứng trước dự toán ngân sách năm sau?
Trường hợp đã phân bổ dự toán nhưng ngân sách có sự biến động thì phải làm thế nào?
Dự toán ngân sách nhà nước
Trong trường hợp có biến động về ngân sách so với dự toán đã phân bổ cần tiến hành điều chỉnh tổng thể ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:
"a) Chính phủ lập dự toán điều chỉnh tổng thể ngân sách nhà nước trình Quốc hội quyết định;
b) Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về dự toán điều chỉnh tổng thể ngân sách nhà nước và nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao, Ủy ban nhân dân các cấp lập dự toán điều chỉnh tổng thể ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định."
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước còn được quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:
- Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất trong các trường hợp sau:
+ Dự kiến số thu không đạt dự toán được Quốc hội quyết định phải điều chỉnh giảm một số khoản chi;
+ Có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh hoặc vì lý do khách quan cần phải điều chỉnh.
- Ủy ban nhân dân trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất trong các trường hợp sau:
+ Dự kiến số thu không đạt dự toán được Hội đồng nhân dân quyết định phải điều chỉnh giảm một số khoản chi;
+ Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Khi cần điều chỉnh dự toán ngân sách của một số đơn vị dự toán hoặc địa phương cấp dưới.
- Chính phủ yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh dự toán ngân sách nếu việc bố trí ngân sách địa phương không phù hợp với nghị quyết của Quốc hội.
- Ủy ban nhân dân yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp dưới điều chỉnh dự toán ngân sách nếu việc bố trí ngân sách địa phương không phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp trên."
Như vậy, dự toán ngân sách nhà nước cần có sự điều chỉnh trong một số trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.
Xử lý thế nào đối với thiếu hụt tạm thời về ngân sách?
Điều 58 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định về hướng xử lý đối với tường hợp ngân sách bị thiếu hụt tạm thời như sau:
- Trường hợp quỹ ngân sách trung ương thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý và phải hoàn trả trong năm ngân sách; nếu quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác không đáp ứng được thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạm ứng cho ngân sách trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải được hoàn trả trong năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
- Trường hợp quỹ ngân sách cấp tỉnh thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính địa phương, quỹ dự trữ tài chính trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý và phải hoàn trả trong năm ngân sách.
- Trường hợp quỹ ngân sách cấp huyện và cấp xã thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý và phải hoàn trả trong năm ngân sách.
Cụ thể được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị định 24/2016/NĐ-CP như sau:
(1) Ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt được bù đắp từ các nguồn sau:
- Phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
- Thu hồi trước hạn các Khoản đang gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại.
(2) Số tiền vay bù đắp ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt được hạch toán riêng và không tính vào bội chi ngân sách nhà nước. Chi trả lãi vay bù đắp ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt được tính trong chi nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước; không thực hiện cấp phát từ ngân sách nhà nước đối với Khoản chi trả lãi này.
(3) Việc phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt có các kỳ hạn tối đa không quá 03 tháng. Quy trình, thủ tục về phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt được thực hiện theo quy định hiện hành về việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Trong đó:
- Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành tín phiếu kho bạc bù đắp ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt được sử dụng để đảm bảo khả năng thanh Khoản của Kho bạc Nhà nước.
- Kho bạc Nhà nước quản lý, sử dụng vốn phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt; bố trí nguồn để hoàn trả nợ (gốc, lãi) đầy đủ, đúng hạn.
- Các Khoản chi phí phát sinh trong quá trình phát hành, thanh toán tín phiếu kho bạc để bù đắp ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt là một Khoản chi nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước. Mức phí chi trả được thực hiện theo mức phí đấu thầu tín phiếu kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
(4) Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước quyết định các biện pháp xử lý ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt quy định tại Khoản 1 Điều này.
Có thể thấy, pháp luật đã đề cập một cách chi tiết về nguồn tài chính được dùng để bù đắp cho ngân quỹ nhà nước và các quy định liên quan đến việc xử lý tình trạng thiếu hụt ngân sách tạm thời.
Khi nào được ứng trước dự toán năm sau?
Theo khoản 1 Điều 57 Luật Ngân sách nhà nước 2015 như sau:
"ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện được ứng trước dự toán ngân sách năm sau để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các dự án cấp bách của trung ương và địa phương thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Mức ứng trước không quá 20% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản năm thực hiện của các công trình xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước đã được phê duyệt. Khi phân bổ dự toán ngân sách năm sau, phải bố trí đủ dự toán để thu hồi hết số đã ứng trước; không được ứng trước dự toán năm sau khi chưa thu hồi hết số ngân sách đã ứng trước."
Theo quy định tại khoản 2 Điều này, Chính phủ quy định chi tiết các nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ứng trước dự toán ngân sách năm sau, thể hiện thông qua các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện và thẩm quyền quyết định ứng trước dự toán năm sau được hướng dẫn bởi Điều 37 Nghị định 163/2016/NĐ-CP như sau:
"Điều 37. Nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện và thẩm quyền quyết định ứng trước dự toán năm sau
1. Nguyên tắc ứng trước dự toán năm sau:
a) Khi phân bổ dự toán năm sau, cơ quan có thẩm quyền giao dự toán phải bố trí đủ để thu hồi số vốn đã được ứng trước; trường hợp không bố trí hoặc bố trí không đủ để thu hồi hết số ngân sách đã ứng trước, thì cơ quan, đơn vị đó sẽ không được ứng tiếp dự toán năm sau;
b) Mức ứng trước dự toán ngân sách năm sau tối đa không vượt quá 20% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản năm thực hiện của các dự án, công trình xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2. Tiêu chí ứng trước dự toán năm sau:
a) Các dự án quan trọng quốc gia;
b) Các dự án, công trình xây dựng cơ bản cấp bách của trung ương và địa phương.
3. Điều kiện được ứng trước dự toán ngân sách năm sau:
a) Phải đảm bảo cân đối được quỹ ngân sách của từng cấp;
b) Dự án, công trình xây dựng cơ bản phải có đủ điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần đẩy nhanh tiến độ;
c) Không còn số dư ứng trước dự toán ngân sách;
d) Chủ đầu tư dự án, công trình xây dựng cơ bản được ứng trước dự toán năm sau phải có hồ sơ, báo cáo thuyết minh về sự cần thiết phải ứng trước dự toán.
4. Thẩm quyền quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau:
a) Theo phân công của Chính phủ và trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Chính phủ quyết định ứng trước dự toán ngân sách trung ương năm sau; định kỳ 6 tháng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau của cấp mình; định kỳ 6 tháng báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất."
Như vậy, trường hợp ngân sách có sự biến động nhưng đã phân bổ dự toán thì cần điều chỉnh theo quy định của pháp luật sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc ứng trước dự toán ngân sách năm sau cũng cần được thực hiện theo các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện và thẩm quyền luật định, nhằm đảm bảo sự ổn định cho nguồn ngân sách nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 50 2024 quy định ngân hàng không gửi tin nhắn SMS thư điện tử có chứa link cho khách hàng từ ngày 1 1 2025?
- Thông tư 36/2024 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe thế nào?
- Mẫu bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất? Cách viết bản nhận xét đánh giá cán bộ 3 năm gần nhất chi tiết?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm các thông tin nào về dự án đầu tư xây dựng?
- Đu trend nhìn lên bầu trời sẽ thấy vì tinh tú có bị xử phạt hành chính không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?