Tự tử có phải hành vi vi phạm pháp luật không? Thấy người tự tử nhưng không cứu giúp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Tự tử có phải hành vi vi phạm pháp luật không?
Căn cứ Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Ngoài ra, các quyền lợi cơ bản khác của con người được chỉ rõ theo pháp luật Việt Nam hiện hành như quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, quyền mưu cầu hạnh phúc, … được quy định trong Hiến pháp; quyền nhân thân được quy định trong luật dân sự; các quyền công dân khác được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Trong tất cả các văn bản pháp luật hiện hành; không có bất kỳ quy định nào về “quyền được chết”. Hiện nay, quy định duy nhất cho phép tước đi mạng sống của một người là hình phạt tử hình theo pháp luật hình sự dành cho tội phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích xã hội.
Có thể thấy, hành vi tự sát có dấu hiệu đi ngược lại với Hiến pháp và trái luật. Tuy nhiên, công dân được thực hiện những điều mà pháp luật không cấm; hiện tại, không có bất kỳ văn bản nào quy định về việc cấm một người tự kết liễu mạng sống của mình. Chính vì vậy, không có biện pháp xử lý nào trong pháp luật hiện hành về việc tự sát.
Tự tử có phải hành vi vi phạm pháp luật không? Thấy người tự tử nhưng không cứu giúp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Hình từ Internet)
Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ Điều 131 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát như sau:
Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ;
b) Tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
2. Phạm tội làm 02 người trở lên tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Như vậy, hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các hành vi này có thể là kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ hoặc tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.
Ngoài ra, nếu phạm tội làm 02 người trở lên tự sát thì sẽ bị áp dụng khung hình phạt nặng hơn.
Thấy người tự tử nhưng không cứu giúp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau:
Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tự tử là hành vi được thực hiện theo ý chí chủ quan của chính nạn nhân, tuy nhiên tự tử cũng có thể được xem là hành vi đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Người không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
- Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cụ thể như sau:
+ Người được xem là đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe dọa và cần phải có sự cứu giúp kịp thời của người khác. Nếu không được cứu giúp thì có thể nguy hiểm đến tính mạng của họ.
+ Người không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người ý thức rõ được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân, biết được nếu người này không cứu giúp thì nạn nhân có thể chết mặc dù có đủ điều kiện và khả năng cứu giúp nhưng không cứu.
- Hậu quả: Nạn nhân chết.
- Người thực hiện hành vi với lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp.
- Chủ thể của tội phạm phải là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi và và phải đủ điều kiện cứu giúp nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Dựa vào các căn cứ pháp lý trên, nếu người nào mặc dù có đủ điều kiện nhưng không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?