Ủy ban nhân dân có thẩm quyền hoạt động về thẩm định giá hay không? Nếu có thì thủ tục, trình tự thẩm định giá tại Ủy ban nhân dân thế nào?
Ủy ban nhân dân có thẩm quyền hoạt động về thẩm định giá hay không?
Thẩm định giá (Hình từ Internet)
Tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước về thẩm định giá như sau:
Thẩm quyền quản lý nhà nước về thẩm định giá
..
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
b) Phân công và tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 31 và Điều 44 của Luật giá thuộc địa phương quản lý theo quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan;
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thẩm định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Theo đó thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước thuộc địa phương quản lý theo quy định về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan.
Phạm vi hoạt động thẩm định giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định thế nào?
Căn cứ theo Điều 44 Luật Giá 2012 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoạt động thẩm định giá tài sản nhà nước thuộc địa phương quản lý trong các trường hợp sau:
- Mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
- Không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá;
- Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước;
- Mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Và tại Điều 45 Luật Giá 2012 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định giá khi cần thiết để thẩm định giá khi thuộc các trường hợp nêu trên. Hội đồng thẩm định giá giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm thẩm định giá theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của kết quả thẩm định giá.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm định giá của Nhà nước theo trình tự thế nào?
Về trình tự thực hiện thẩm định giá của Nhà nước được quy định tại Điều 25 Nghị định 89/2013/NĐ-CP như sau:
Trình tự thẩm định giá tài sản
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản theo trình tự sau:
a) Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá;
b) Lập kế hoạch thẩm định giá;
c) Khảo sát thực tế, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần thẩm định giá;
d) Phân tích thông tin;
đ) Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá căn cứ vào quy chế tính giá tài sản hàng hóa, dịch vụ, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành; các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp xác định giá theo quy định của pháp luật liên quan đến tài sản cần thẩm định giá;
e) Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá trình thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá phê duyệt; sau đó gửi văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá cho cơ quan yêu cầu thẩm định giá.
2. Tùy theo tài sản cần thẩm định, trình tự thẩm định giá có thể rút gọn một số bước so với quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan có yêu cầu thẩm định giá có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần thẩm định giá; phối hợp tổ chức khảo sát thực tế tài sản cần thẩm định giá, nếu cần thiết.
Đồng thời phải lập và lưu trữ hồ sơ thẩm định giá theo quy định tại Điều 27 Nghị định 89/2013/NĐ-CP (Được bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 12/2021/NĐ-CP) như sau:
Lập và lưu trữ hồ sơ thẩm định giá tài sản
1. Hồ sơ thẩm định giá tài sản do cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc Hội đồng thẩm định giá lập gồm có các tài liệu sau đây:
a) Văn bản yêu cầu thẩm định giá tài sản; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá;
b) Báo cáo kết quả thẩm định giá và văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá; Biên bản thẩm định giá tài sản và Kết luận thẩm định giá tài sản trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá;
c) Các tài liệu khác có liên quan đến việc thẩm định giá tài sản.
2. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hồ sơ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Thời gian lưu trữ tối thiểu là 10 (mười) năm kể từ ngày kết thúc việc thẩm định giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm gửi 01 bản sao Báo cáo kết quả thẩm định giá hoặc Kết luận thẩm định giá tài sản qua đường công văn, fax hoặc hệ thống báo cáo điện tử về Bộ Tài chính để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cung cấp thông tin và quản lý nhà nước về thẩm định giá trừ trường hợp tài sản thuộc danh mục tài sản bí mật nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống có phải tuân thủ về kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm trồng trọt không?
- Ngày 8 1 là ngày gì? Ngày 8 1 2025 dương là bao nhiêu âm? Ngày 8 tháng 1 năm 2025 là thứ mấy?
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?