Văn bản quy phạm pháp luật tài chính gồm những loại văn bản nào? Thực hiện xây dựng và tổ chức thi hành như nào?
Văn bản quy phạm pháp luật tài chính gồm những loại văn bản nào?
Văn bản quy phạm pháp luật tài chính được quy định tại Điều 2 Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024, cụ thể như sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành gồm: luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính gồm: thông tư; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Văn bản quy phạm pháp luật tài chính gồm những loại văn bản nào? Thực hiện xây dựng và tổ chức thi hành như nào? (Hình từ Internet)
Về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính là gì?
Về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính được quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024, cụ thể như sau:
- Bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nguyên tắc quy định tại Quy chế này;
- Bảo đảm đúng tinh thần, nội dung nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp, nội dung chính sách đã được cấp có thẩm quyền thông qua; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật;
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình lập đề nghị và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo phải ký trình xin ý kiến tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính trước khi Bộ trưởng Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành;
- Bảo đảm trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong đơn vị và chịu trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ về chất lượng, tiến độ trình các đề án thuộc lĩnh vực được giao phụ trách; trường hợp chậm, muộn hoặc không hoàn thành nhiệm vụ phải đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và chịu trách nhiệm trước Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ.
Bảo đảm nguồn lực thực hiện xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính được thực hiện như thế nào?
Bảo đảm nguồn lực thực hiện xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính được quy định tại Điều 4 Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024, cụ thể như sau:
- Kinh phí cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính được ưu tiên, bố trí đầy đủ, kịp thời. Trong đó, đối với các đơn vị thuộc khối cơ quan Bộ được bố trí trong nguồn kinh phí thường xuyên của Bộ Tài chính; đối với các đơn vị được giao nguồn kinh phí tự chủ được bố trí trong nguồn kinh phí được giao tự chủ của đơn vị mình.
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình bố trí cán bộ, kinh phí hỗ trợ, phương tiện làm việc, thông tin, các điều kiện cần thiết cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính.
- Đội ngũ người làm công tác xây dựng pháp luật tài chính nói chung, công tác pháp chế tài chính nói riêng được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật; ưu tiên bố trí các đoàn ra, các đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật tài chính; vận động các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế để hỗ trợ công tác xây dựng thể chế pháp luật tài chính.
Lưu ý:
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 1 Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024, cụ thể như sau:
- Quy chế này quy định:
+ Lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tài chính;
+ Lập đề nghị và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tài chính;
+ Tổ chức thi hành pháp luật tài chính bao gồm: tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hợp nhất và pháp điển quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật tài chính;
+ Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc triển khai thực hiện Quy chế này.
- Quy chế này áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nội dung hoạt động chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự như thế nào? Lực lượng nòng cốt trong phòng thủ dân sự?
- Dịch vụ sự nghiệp công là gì? Dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước gồm những dịch vụ nào?
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội từ ngày 25/12/2024 theo Nghị định 147 gồm những gì?
- Lịch bắn pháo hoa Tết Dương lịch 2025 HCM? Thời gian bắn pháo hoa Tết Dương lịch 2025 TPHCM ra sao?
- Mẫu bản cam kết của người lao động để được hỗ trợ do bị giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động? Tải mẫu tại đâu?