Vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa nhưng không có hợp đồng vận tải khách du lịch thì tổ chức bị xử phạt thế nào?
- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa là gì?
- Vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa nhưng không có hợp đồng vận tải khách du lịch thì tổ chức bị xử phạt thế nào?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền xử phạt tổ chức vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa nhưng không có hợp đồng vận tải khách du lịch không?
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa là gì?
Căn cứ Điều 47 Luật Du lịch 2017 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch
1. Vận tải khách du lịch theo hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, với khách du lịch theo hành trình, tuyến đường phù hợp.
2. Mua bảo hiểm cho khách du lịch theo phương tiện vận tải.
3. Bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định trong suốt quá trình khai thác, sử dụng phương tiện vận tải.
4. Gắn biển hiệu vận tải khách du lịch ở nơi dễ nhận biết trên phương tiện vận tải.
Theo đó, tổ chức kinh doanh vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa có những quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 47 nêu trên.
Trong đó có nghĩa vụ vận tải khách du lịch theo hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, với khách du lịch theo hành trình, tuyến đường phù hợp.
Phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa
(Hình từ Internet)
Vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa nhưng không có hợp đồng vận tải khách du lịch thì tổ chức bị xử phạt thế nào?
Theo điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa như sau:
Vi phạm quy định về vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa
...
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có hợp đồng vận tải khách du lịch theo quy định;
b) Không trang bị đủ số lượng áo phao cho khách du lịch trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa theo quy định;
c) Không có bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách du lịch đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;
d) Không có biểu đồ hành trình tuyến du lịch đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;
đ) Không có thùng chứa đồ uống đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;
e) Không có thùng đựng rác đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa;
g) Không có dụng cụ chống nắng đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 20 ghế ngồi trở lên;
h) Không có micro đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 20 ghế ngồi trở lên;
i) Không đảm bảo yêu cầu của khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống, khu chế biến (nếu có) theo quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 20 ghế ngồi trở lên;
k) Không có mái che đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 50 ghế ngồi trở lên;
l) Không có rèm cửa chống nắng đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 50 ghế ngồi trở lên;
m) Không có phòng vệ sinh đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa từ 50 ghế ngồi trở lên.
...
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền trong lĩnh vực du lịch
1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Nghị định này là áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại Điều 7 Nghị định này là áp dụng đối với tổ chức.
3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; thẩm quyền phạt tiền với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
Theo quy định trên, tổ chức vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa nhưng không có hợp đồng vận tải khách du lịch thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền xử phạt tổ chức vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa nhưng không có hợp đồng vận tải khách du lịch không?
Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch như sau:
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 theo thẩm quyền quy định tại Điều 20 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
...
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 129/2021/NĐ-CP quy định về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:
Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.
...
Như vậy, tổ chức vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa nhưng không có hợp đồng vận tải khách du lịch thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 10.000.000 đồng nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền xử phạt tổ chức này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?