Vay mượn vàng, trả theo giá vàng hiện hành hay giá vàng lúc vay mượn? Lãi suất cho vay được quy định như thế nào?
Cho vay mượn vàng được không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cụ thể như sau:
Nguyên tắc quản lý
1. Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
...
Theo quy định trên, cá nhân được sở hữu vàng hợp pháp và được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu.
Cá nhân sở hữu vàng hợp pháp phải tuân thủ một số quy định sau đây:
- Không được sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán (Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP)
- Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu.
Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh (Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN)
- Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ trừ trường hợp đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác; trường hợp tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan (Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-NHNN).
Theo đó, hiện tại không có quy định nào cấm cá nhân vay mượn vàng thuộc sở hữu hợp pháp của mình, nói cách khác, cá nhân có thể cho vay mượn vàng mà mình sở hữu hợp pháp.
Vay mượn vàng, trả theo giá vàng hiện hành hay giá vàng lúc vay mượn? (Hình từ Internet)
Vay mượn vàng, trả theo giá vàng hiện hành hay giá vàng lúc vay mượn?
Do pháp luật không cấm cá nhân sở hữu hợp pháp cho vay mượn vàng nên các bên có thể cho vay mượn vàng và bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
...
Theo đó, khi vay mượn vàng, bên vay mượn có nghĩa vụ phải trả đủ khi đến hạn và phải trả cùng loại vàng, đúng số lượng, chất lượng như lúc vay mượn.
Trường hợp bên vay không thể trả vàng thì có thể thỏa thuận về việc trả tiền nhưng phải đảm bảo trả theo giá vàng tại địa điểm và thời điểm trả nợ.
Lãi suất cho vay được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất cho vay, cụ thể như sau:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Theo quy định trên, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Lưu ý: Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Khi các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả nợ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyết định 08/2024 về Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước thế nào? Toàn văn Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN?
- Sĩ quan sử dụng máy tính quân sự để kết nối vào mạng Internet làm lộ lọt thông tin thì xử lý như thế nào?
- Chế độ báo cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ Online Banking từ 1 1 2025 theo Thông tư 50 2024?
- Lời cảm ơn cuối năm dành cho khách hàng, đối tác ngắn gọn, ý nghĩa? Để đạt được sự thỏa mãn của khách hàng, trước tiên cần làm gì?
- Bài tham luận về Hội Cựu chiến binh ngắn gọn 2024? Bài tham luận của chi hội Cựu chiến binh năm 2024?