Việc định giá tài sản góp vốn được thực hiện theo nguyên tắc nào? Người cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thì bị xử phạt thế nào?
Việc định giá tài sản góp vốn được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 về định giá tài sản góp vốn như sau:
Định giá tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Theo quy định trên, việc định giá tài sản góp vốn được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.
Và trong trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Định giá tài sản góp vốn (Hình từ Internet)
Người cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thì bị xử phạt thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm về thành lập doanh nghiệp như sau:
Vi phạm về thành lập doanh nghiệp
...
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;
b) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
...
Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
...
Theo đó, người cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị là bao lâu?
Theo Điều 5 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm.
2. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 7; Điều 9; Điều 10; Điều 13; Điều 14; khoản 2 Điều 15; khoản 3 Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 20; Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 30; Điều 36; Điều 37; Điều 43; Điều 44; Điều 45; Điều 46; Điều 47; Điều 48; Điều 49; Điều 50; Điều 51; Điều 52; Điều 53; Điều 54; Điều 55; Điều 56; Điều 57; Điều 58; Điều 59; Điều 60; Điều 61; Điều 62; Điều 63; Điều 64; Điều 65; Điều 66; Điều 67; Điều 68, Điều 69; Điều 70; Điều 71 và Điều 72 của Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện.
Đối với hành vi vi phạm đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
3. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này (trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 12 và Điều 25) là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc.
Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị là 01 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thẩm quyền giám sát việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương? Nguyên tắc hoán đổi trái phiếu?
- Ngày 7 tháng 12 là ngày gì? Ngày 7 tháng 12 năm 2024 là ngày mấy âm lịch? Ngày 7 tháng 12 có sự kiện gì trên thế giới?
- Mẫu hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp là mẫu nào? Có phải chứng thực hợp đồng không?
- Biện pháp kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi truyền thống nhập khẩu? Nội dung kiểm tra gồm những gì?
- Diện tích tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất được xác định như thế nào?