Việc lập danh bản, chỉ bản đối với bị can thực hiện sau khi có quyết định khởi tố bị can và trước khi có phê chuẩn của Viện Kiểm sát có đúng trình tự khởi tố bị can không?
Danh bản, chỉ bản được hiểu như thế nào trong tố tụng hình sự?
Thuật ngữ "Danh chỉ bản" xuất hiện trong quy định tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về định nghĩa hay chi tiết về “danh chỉ bản”.
Căn cứ quy định tại điểm m, điểm n khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã tách thuật ngữ "Danh chỉ bản" thành hai khái niệm riêng biệt sau:
"m) Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân hai ngón tay trỏ của bị can do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
n) Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch và in dấu vân tất cả các ngón tay của bị can do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ."
Theo đó, danh bản, chỉ bản đều là bản ghi thông tin tóm tắt về lý lịch do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ. Danh bản là nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân hai ngón tay trỏ của bị can còn chỉ bản thì in dấu vân tất cả các ngón tay của bị can.
Khởi tố bị can (Hình từ Internet)
Việc lập danh bản chỉ bản đối với bị can thực hiện sau khi có quyết định khởi tố bị can và trước khi có phê chuẩn của Viện Kiểm sát có đúng trình tự khởi tố bị can không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về trình tự khởi tố như sau:
“Điều 179. Khởi tố bị can
...
5. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can.
Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản của người bị khởi tố và đưa vào hồ sơ vụ án.
Việc giao, nhận các quyết định nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này."
Như vậy, trình tự khởi tố bị can theo quy định nêu trên thì lập danh bản, chỉ bản của người bị khởi tố phải được thực hiện sau khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.
Trường hợp lập danh bản, chỉ bản của người bị khởi tố thực hiện trước khi nhận được quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can là vi phạm quy trình khởi tố bị can theo quy định trên.
Cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can?
Theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
“Điều 179. Khởi tố bị can
1. Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
...
4. Trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can hoặc trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can nếu đã yêu cầu nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra nếu Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung."
Tại khoản 1 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
"Điều 164. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
1. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự;"
Theo các quy định nêu trên, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can bao gồm 03 cơ quan sau đây:
- Cơ quan điều tra;
- Viện Kiểm sát;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là gì? Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng?
- Kiểm toán nhà nước làm việc theo chế độ gì? Kế hoạch công tác năm của Kiểm toán nhà nước bao những gì?
- 05 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động của Cảnh sát cơ động? Biện pháp chủ yếu của Cảnh sát cơ động để chống hành vi bạo loạn, khủng bố?
- Tài liệu xác định địa điểm thực hiện dự án dầu khí ở nước ngoài gồm những gì? Có được chuyển nhượng một phần dự án dầu khí ở nước ngoài không?
- Mẫu văn bản đề nghị cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe mô tô, xe máy mới nhất?