Việc tính tiền khai thác tài nguyên nước được áp dụng đối với trường hợp nào, căn cứ vào quy định gì? Công thức tính được quy định ra sao?
Trường hợp nào sẽ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước?
Trường hợp tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Căn cứ Điều 3 Nghị định 82/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 41/2021/NĐ-CP, được bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 49 Nghị định 02/2023/NĐ-CP các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước gồm:
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất (sau đây gọi chung là chủ giấy phép) thuộc một trong các trường hợp sau đây phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:
(1) Đối với khai thác nước mặt:
a) Khai thác nước mặt để phát điện;
b) Khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt.
(2) Đối với khai thác nước dưới đất:
a) Khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt;
b) Khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.
(3) Thời điểm nộp tiền cấp quyền khai thác nước
Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp sau khi công trình đi vào vận hành và có Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của cơ quan có thẩm quyền.
>>> Xem thêm: Tổng hợp các quy định hiện hành liên quan đến Khai thác tài nguyên nước Tải
Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được tính dựa trên căn cứ nào?
Căn cứ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định tại Điều 4 Nghị định 82/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 41/2021/NĐ-CP, bao gồm:
(1) Mục đích sử dụng nước, gồm:
a) Khai thác nước dùng cho sản xuất thủy điện;
b) Khai thác nước dùng cho kinh doanh, dịch vụ;
c) Khai thác nước dùng cho sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt;
d) Khai thác nước dưới đất dùng cho tưới cà phê, cao su, điều, chè, hè tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác;
đ) Khai thác nước dưới đất dùng cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc.
(2) Chất lượng nguồn nước được xác định theo phân vùng chất lượng nước hoặc phân vùng chức năng nguồn nước trong các quy hoạch tài nguyên nước hoặc các quy hoạch về tài nguyên nước theo pháp luật về quy hoạch hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch hoặc trong quy hoạch chưa phân vùng thì căn cứ vào chất lượng thực tế của nguồn nước khai thác.
(3) Loại nguồn nước khai thác gồm: Nước mặt, nước dưới đất.
(4) Điều kiện khai thác;
a) Đối với nước mặt xác định theo khu vực nguồn nước mặt được khai thác;
b) Đối với nước dưới đất xác định theo loại hình công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động), trường hợp công trình là giếng khoan thì xác định theo chiều sâu khai thác.
(5) Quy mô khai thác:
a) Đối với khai thác nước cho thủy điện được xác định theo hồ sơ thiết kế;
b) Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước cho mục đích khác với quy định tại điểm a khoản này được xác định theo giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và tỷ lệ cấp nước cho các mục đích sử dụng.
(6) Thời gian khai thác được xác định trên cơ sở thời gian bắt đầu vận hành công trình, thời điểm giấy phép bắt đầu có hiệu lực và thời hạn quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Công thức tính tiền khai thác tài nguyên nước
Công thức tính tiền khai thác tài nguyên nước được quy định tại Điều 6 Nghị định 82/2017/NĐ-CP:
(1) Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước cho thủy điện được xác định theo công thức sau:
T = W x G x M
Trong đó:
T - Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đơn vị tính là đồng Việt Nam;
W - Sản lượng điện năng được quy định tại Điều 7 của Nghị định này, đơn vị tính là kWh;
G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định tại Điều 8 của Nghị định này, đơn vị tính là đồng Việt Nam/kWh;
M - Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định tại Điều 5 của Nghị định này, đơn vị tính là phần trăm (%).
(2) Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp khác với quy định tại khoản 1 Điều này xác định theo công thức sau:
T = W x G x K x M
Trong đó:
T - Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, đơn vị tính là đồng Việt Nam;
W - Sản lượng khai thác nước để tính tiền cấp quyền khai thác được quy định tại Điều 7 Nghị định này, đơn vị tính là m3;
G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định tại Điều 8 của Nghị định này, đơn vị tính là đồng Việt Nam/m3;
K - Hệ số điều chỉnh được quy định tại Điều 9 của Nghị định này;
M - Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định tại Điều 5 của Nghị định này, đơn vị tính là phần trăm (%).
Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (M)
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 82/2017/NĐ-CP thì mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (M) được quy định theo mục đích khai thác nước, có giá trị từ 0,1% đến 2,0%, được quy định cụ thể tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 82/2017/NĐ-CP.
Như vậy, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được tính dựa trên các căn cứ theo quy định nêu trên, bao gồm: Mục đích sử dụng nước; Chất lượng nguồn nước; Loại nguồn nước khai thác; Điều kiện khai thác; Quy mô khai thác và Thời gian khai thác, áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể luật định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lĩnh vực nông nghiệp của hợp tác xã gồm những ngành nào? Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được phân loại như thế nào?
- Thuế có phải là một khoản nộp bắt buộc? Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc nộp tiền thuế là gì?
- Hợp tác xã có phải đối tượng được Nhà nước hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay không?
- Hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được xây dựng để làm gì? Thông tin trong hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng được điều chỉnh khi nào?
- Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, hạng II, hạng III có nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thế nào?