Việc tổ chức họp Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định như thế nào? Chủ tịch Hội đồng quản trị có vai trò gì?
Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định như thế nào?
Điều 13 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Điều lệ) quy định chung về Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:
(1) Hội đồng quản trị là cơ quan quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu vốn nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nhân danh Ngân hàng Phát triển Việt Nam để quyết định, thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu, Bộ Tài chính; chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, Bộ Tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
(2) Cơ cấu Hội đồng quản trị gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị khác, số thành viên của Hội đồng quản trị tối đa là 5 (năm) người, làm việc theo chế độ chuyên trách. Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam là thành viên Hội đồng quản trị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; các thành viên Hội đồng quản trị còn lại do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, miễn nhiệm.
(3) Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị là 05 (năm) năm; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 (năm) năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Thành viên Hội đồng quản trị có thể bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc được bổ nhiệm bổ sung hoặc thay thế, khi đó nhiệm kỳ của thành viên mới là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ Hội đồng quản trị.
Tiêu chuẩn và điều kiện thành viên Hội đồng quản trị được thực hiện theo quy định tại Điều lệ này.
(4) Hội đồng quản trị sử dụng con dấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ của mình.
(5) Hội đồng quản trị thành lập Ban thư ký Hội đồng quản trị; thành lập một số bộ phận chuyên môn để giúp việc Hội đồng quản trị sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
Chức năng nhiệm vụ cụ thể của Ban thư ký và các bộ phận chuyên môn do Hội đồng quản trị quyết định.
Chi phí hoạt động, tiền lương và tiền thưởng của Ban thư ký, của các bộ phận chuyên môn do Hội đồng quản trị quyết định theo chế độ quy định và được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
(6) Thù lao và các chi phí hợp lý khác của Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị khi thực hiện nhiệm vụ được giao được tính vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; chế độ lương, thưởng của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị thực hiện theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Căn cứ vào những quy định trên, có thể thấy cơ chế hoạt động của Hội đồng quản trị và cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm của thành viên và chủ tịch Hội đồng quản trị được quy định cụ thể tại Điều lệ hoạt động của tổ chức nà.y.
Tổ chức họp Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Họp Hội đồng quản trị ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định như thế nào?
Điều 17 Điều lệ quy định về việc tổ chức họp và biên bản họp Hội đồng quản trị ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:
(1) Quy định chung
- Hội đồng quản trị làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; ít nhất một tháng họp một lần do Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc người được ủy quyền) triệu tập và chủ trì để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình.
- Hội đồng quản trị họp bất thường khi có đề nghị của một trong các trường hợp sau đây:
+ Chủ tịch Hội đồng quản trị;
+ Tổng giám đốc hoặc Trưởng Ban kiểm soát;
+ Ít nhất hai thành viên của Hội đồng quản trị.
Đề nghị Hội đồng quản trị họp bất thường phải lập bằng văn bản, trong đó nêu rõ mục đích họp, vấn đề cần thảo luận và quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Người có thẩm quyền triệu tập hợp Hội đồng quản trị có quyền từ chối đề nghị nêu trên nếu vấn đề cần thảo luận và quyết định không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị nhưng phải thông báo cho người đề nghị và các thành viên Hội đồng quản trị biết.
(2) Triệu tập cuộc họp
Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị được Chủ tịch Hội đồng quản trị ủy quyền triệu tập hợp trong vòng 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị triệu tập nêu tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được ủy quyền không chấp nhận triệu tập cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trừ trường hợp không thể triệu tập hợp được vì lý do bất khả kháng. Trong trường hợp này, người đề nghị nêu tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này có thể thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập hợp Hội đồng quản trị.
(3) Thông báo mời họp: Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người triệu tập hợp Hội đồng quản trị gửi thông báo mời họp chậm nhất 2 (hai) ngày làm việc trước ngày họp. Thông báo mời họp làm bằng văn bản, trong đó nêu rõ chương trình, thời gian và địa điểm họp, các vấn đề thảo luận và quyết định.
(4) Điều kiện tiến hành cuộc họp:
Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số thành viên Hội đồng quản trị có mặt.
(5) Kết quả cuộc họp:
- Nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị chỉ có hiệu lực khi có trên 50% số thành viên Hội đồng quản trị dự họp biểu quyết tán thành hoặc có ý kiến tán thành bằng văn bản, trường hợp ngang nhau thì quyết định theo ý kiến của người chủ trì cuộc họp. Thành viên Ban kiểm soát có quyền dự các cuộc họp Hội đồng quản trị, có quyền thảo luận nhưng không được biểu quyết.
- Đối với những công việc có liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, các hiệp hội, các tổ chức phi Chính phủ thì có thể mời đại diện có thẩm quyền của các tổ chức, cơ quan đó tham dự phiên họp. Các phiên họp có nội dung công việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì phải mời đại diện Công đoàn Ngân hàng Phát triển Việt Nam tham dự.
- Thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị bằng văn bản:
a) Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định việc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị bằng văn bản;
b) Trình tự, thủ tục lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị quy định trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật.
(6) Biên bản họp Hội đồng quản trị:
a) Các cuộc họp của Hội đồng quản trị được ghi vào số biên bản, trường hợp cần thiết có thể ghi âm. Biên bản được lập bằng tiếng Việt theo thể thức và các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật;
b) Biên bản họp Hội đồng quản trị và các tài liệu sử dụng trong cuộc họp phải được lưu giữ tại Trụ sở chính của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Ai có thẩm quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Điều lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị được Chủ tịch Hội đồng quản trị ủy quyền triệu tập hợp trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị triệu tập. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được ủy quyền không chấp nhận triệu tập cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trừ trường hợp không thể triệu tập hợp được vì lý do bất khả kháng. Trong trường hợp này, Tổng giám đốc hoặc Trưởng Ban kiểm soát hoặc ít nhất hai thành viên của Hội đồng quản trị có thể thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập hợp Hội đồng quản trị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị có những quyền hạn, nhiệm vụ gì?
Điều 15 Điều lệ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản trị như sau:
(1) Ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng quản trị. Chỉ đạo, giám sát các thành viên Hội đồng quản trị trong việc thực hiện các công việc được phân công và các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
(2) Triệu tập và chủ tọa các cuộc họp Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều lệ này.
(3) Thay mặt Hội đồng quản trị ký các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; ký các văn bản trình cấp có thẩm quyền và xử lý công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị.
(4) Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định và các văn bản khác của Hội đồng quản trị;
(5) Tối thiểu mỗi năm một lần, đánh giá hiệu quả làm việc của từng thành viên Hội đồng quản trị và báo cáo chủ sở hữu về kết quả đánh giá này.
(6) Thay mặt Hội đồng quản trị ký nhận vốn do Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
(7) Ký Quyết định cử thành viên Hội đồng quản trị (trừ Tổng giám đốc), các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng đi công tác, học tập, tham quan khảo sát ở nước ngoài.
(8) Trường hợp vắng mặt, ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên Hội đồng quản trị thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo cơ chế phân công, ủy quyền do Hội đồng quản trị quy định; thông báo cho các thành viên còn lại của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc biết về việc ủy quyền này.
Người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng quản trị về các công việc được ủy quyền.
(9) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Hội đồng quản trị về những quyết định của mình.
(10) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cơ chế hoạt động của Hội đồng quản trị nói chung và của những thành phần trong Hội đồng quản trị (Chủ tịch, Phó chủ tịch, thành viên,...) nói riêng đều được quy định cụ thể để áp dụng thực hiện trên thực tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?