Vợ có được thế chấp sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng để vay vốn làm ăn không hỏi ý kiến chồng không?
Vợ có được tự định đoạt đem thế chấp sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng để vay vốn làm ăn không?
Căn cứ theo Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:
"1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình."
Tại Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định hướng dẫn về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng như sau:
"1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu."
Theo đó, việc định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp tài sản chung là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu hay tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Như vậy, việc vợ xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung là sổ tiết kiệm để vay vốn làm ăn không thể xem là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nên việc sử dụng, định đoạt sổ tiết kiệm phải được thỏa thuận với chồng, vợ không được tự ý định đoạt sổ tiết kiệm đó.
Tài sản chung của vợ chồng (Hình từ Internet)
Có được thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn làm ăn không?
Căn cứ Điều 13 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định:
”Tiền gửi tiết kiệm được sử dụng để làm tài sản bảo đảm theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.”
Như vậy, việc dùng sổ tiết kiệm thế chấp tại ngân hàng để vay vốn là phù hợp với quy định nêu trên.
Chồng có được đòi lại một phần số tiền trong sổ tiết kiệm vợ đem thế chấp để vay tiền làm ăn không hỏi ý kiến chồng không?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng
"1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
..."
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định:
"Điều 8. Người thứ ba không ngay tình khi xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu
Người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây:
1. Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó;
2. Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng."
Tại Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định:
"Điều 16. Cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba
Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự."
Theo quy định nêu trên, trong giao dịch với người thứ ba là ngân hàng ngay tình thì vợ là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Như vậy, bạn không thể kiện ngân hàng để lấy lại một phần tiền trong sổ tiết kiệm đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mã số thông tin của dự án đầu tư xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng thể hiện các thông tin gì?
- Vé số bị rách góc có đổi được hay không sẽ do ai quyết định? Vé số bị rách góc cần phải đổi thưởng trong thời hạn bao lâu?
- Thông tin tín dụng là gì? Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cần phải tuân thủ những quy định nào?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm cảm xúc về một câu chuyện lớp 5? Tuổi của học sinh lớp 5 là bao nhiêu?
- Mẫu xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán tại Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam?