Vốn ODA không hoàn lại là gì? Cơ quan nào đề xuất ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại?
Vốn ODA không hoàn lại là gì?
Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định về giải thích thuật ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
....
9. Vốn ODA, vốn vay ưu đãi là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, bao gồm:
a) Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
b) Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc. Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;
c) Vốn vay ưu đãi là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA được quy định tại điểm b khoản này.
Như vậy, vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Vốn ODA không hoàn lại là gì? Cơ quan nào đề xuất ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại? (hình từ internet)
Cơ quan nào đề xuất ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại?
Theo Điều 29 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định về cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
Cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA, vốn vay ưu đãi
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA không hoàn lại cho chương trình, dự án thuộc cơ quan mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung và cụ thể về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn ODA không hoàn lại cho chương trình, dự án hỗn hợp có sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, trừ vốn ODA không hoàn lại được quy định tại các khoản 3, 4 Điều này.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA không hoàn lại không gắn với khoản vay của các tổ chức tài chính tiền tệ và ngân hàng quốc tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung và cụ thể về vốn ODA không hoàn lại cho chương trình, dự án không quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Như vậy, những cơ quan sau được đề xuất ký kết điều ước quốc tế về vốn ODA không hoàn lại:
- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Bộ Tài chính
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại được cơ quan có thẩm quyền nào phê duyệt?
Theo Điều 23 Nghị định 114/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 17 Điều 1 Nghị định 20/2023/NĐ-CP quy định về thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án và phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án như sau:
Thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án và phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án
1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong các trường hợp sau: Dự án kèm theo khung chính sách; dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo; mua sắm các loại hàng hóa thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Người đứng đầu cơ quan chủ quản:
a) Phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án trên cơ sở Quyết định chủ trương thực hiện của Thủ tướng Chính phủ đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương tham gia chương trình, dự án khu vực;
b) Phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án đối với các trường hợp không quy định tại khoản 1 Điều này và không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương thực hiện.
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý và không phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương thực hiện.
Như vậy, thẩm quyền phê duyệt chủ trương thực hiện phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại bao gồm:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Người đứng đầu cơ quan chủ quản;
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lỗi nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 phạt bao nhiêu tiền? Nghe điện thoại khi lái xe ô tô 2025 bị trừ bao nhiêu điểm?
- Đáp án bảng C tuần 2 cuộc thi trực tuyến tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh ra sao?
- Hoàn thành nhiệm vụ có được thưởng theo Nghị định 73? Nếu có thì được thưởng bao nhiêu theo Nghị định 73?
- Chất là gì? Lượng là gì? Ví dụ về chất, lượng? Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nguyên tắc gì?
- Bài phát biểu ngày truyền thống học sinh sinh viên 9 1 2025 hay ý nghĩa? Hội Sinh viên Việt Nam là gì?