Vừa ra trường có được làm hòa giải viên thương mại hay không? Hồ sơ đăng ký hòa giải viên thương mại gồm những gì?
- Hòa giải viên thương mại được hiểu như thế nào?
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định như thế nào?
- Vừa ra trường có được làm hòa giải viên thương mại hay không?
- Hồ sơ đăng ký hòa giải viên thương mại gồm những giấy tờ gì?
- Có được yêu cầu hòa giải viên thương mại cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp không?
Hòa giải viên thương mại được hiểu như thế nào?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định:
“3. Hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.”
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định như thế nào?
Theo Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại như sau:
“1. Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
2. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.”
Hòa giải viên thương mại
Vừa ra trường có được làm hòa giải viên thương mại hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại như sau:
“1. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được làm hòa giải viên thương mại:
a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;
b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;
c) Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.”
Theo đó, để được làm hòa giải viên thương mại thì cần phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan; Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên. Cho nên, bạn là cử nhân kinh tế vừa ra trường thì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này.
Hồ sơ đăng ký hòa giải viên thương mại gồm những giấy tờ gì?
Theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc như sau:
“2. Người đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng sau đại học;
c) Giấy tờ chứng minh đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.
Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Như vậy, người đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp, bao gồm những giấy tờ theo quy định nêu trên.
Có được yêu cầu hòa giải viên thương mại cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp không?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định về quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại như sau:
“1. Hòa giải viên thương mại có các quyền sau đây:
a) Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;
b) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
c) Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp;
d) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
2. Hòa giải viên thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực;
b) Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
c) Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
d) Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải;
đ) Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.”
Theo đó, có thể yêu cầu hòa giải viên thương mại cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp nếu các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án hành chính đúng không?
- Bậc thuế môn bài năm 2025 mới nhất như thế nào? Hạn chót nộp thuế môn bài năm 2025 là khi nào?
- Cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng Nghị định 178/2024 chính sách khi sắp xếp bộ máy từ 1 1 2025 gồm những ai?
- Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29/2024 đúng không?
- Hướng dẫn hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu theo Thông tư 80? Tải về tài liệu hồ sơ hoàn thuế?