Vượt phải là gì? Lỗi vượt phải là gì? Hiểu đúng về lỗi vượt phải để tránh bị phạt? Tầm nhìn vượt xe an toàn khi vượt xe là gì?
Vượt phải là gì? Lỗi vượt phải là gì?
Căn cứ quy định tại khoản 3.52 Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì vượt xe được hiểu là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái (trừ các trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008).
Như vậy, vượt phải có thể hiểu là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước từ phía bên phải.
Theo đó, lỗi vượt phải có thể hiểu là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước từ phía bên phải trong trường hợp không được phép vượt (vượt xe trái quy định pháp luật).
Vượt phải là gì? Lỗi vượt phải là gì? Hiểu đúng về lỗi vượt phải để tránh bị phạt? Tầm nhìn vượt xe an toàn khi vượt xe là gì? (Hình từ Internet)
Hiểu đúng về lỗi vượt phải để tránh bị phạt?
Theo quy định tại khoản 3.52 Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì xe đi với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về phần đường bên phải của phần xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Như vậy, có thể thấy đối với xe muốn vượt xe trước khi tham gia giao thông thì phải vượt từ hướng bên trái, đối với xe đi tốc độ thấp phải đi về bên phải và khi có xe xin vượt thì phải giảm tốc độ, đi sát về phần đường bên phải của phần xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt (nếu đủ điều kiện an toàn).
Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải khi tham gia giao thông:
- Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
- Khi xe điện đang chạy giữa đường;
- Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Đồng thời, tại khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng có quy định:
Vượt xe
...
5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Trên cầu hẹp có một làn xe;
c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;
d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;
e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
...
Chiếu theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu trên, tại khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
Vượt xe
...
2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
...
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên, trường hợp xe vượt phải nếu không thuộc các trường hợp được phép vượt phải tại khoản 4 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 hoặc vượt phải thuộc trường hợp được phép vượt phải tại khoản 4 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 khi có chướng ngại vật phía trước, có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước có tín hiệu vượt xe khác hoặc chưa tránh về bên phải; hoặc vượt phải nếu thuộc trường hợp tại khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì sẽ mắc lỗi vượt phải theo quy định.
Theo đó, người điều khiển xe mắc lỗi vượt phải có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (căn cứ điểm d khoản 5 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Lưu ý:
- Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
- Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
- Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
- Không xử phạt người điều khiển ô tô trong trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.
Tầm nhìn vượt xe an toàn khi vượt xe là gì?
Theo khoản 3.51 Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì tầm nhìn vượt xe an toàn được giải thích là khoảng cách đo dọc theo mặt đường tính từ mũi xe để một chiếc xe đang chạy trên đường 2 làn xe hai chiều có thể vượt qua một chiếc xe khác chạy chậm hơn cùng chiều bằng cách chiếm dụng làn xe chạy phía chiều ngược lại và quay trở về làn cũ của mình một cách an toàn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tham luận về Hội Cựu chiến binh ngắn gọn 2024? Bài tham luận của chi hội Cựu chiến binh năm 2024?
- Thông tư 13/2024 về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp từ 15/01/2025 thế nào?
- Mẫu bài diễn văn khai mạc Đại hội Chi bộ 2024 thế nào? Tên gọi và cách tính nhiệm kỳ đại hội đảng bộ được quy định thế nào?
- Chủ đầu tư xây dựng có phải là người sở hữu vốn, vay vốn không? Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc của chủ đầu tư?
- Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm của công ty mới nhất? Tải về Mẫu Báo cáo tổng kết cuối năm ở đâu?