Xâm hại trẻ em được pháp luật quy định thế nào? Những hành vi nào được xem dâm ô trẻ em? Tội dâm ô trẻ em bị xử lý thế nào?
Xâm hại trẻ em là gì? Hiện nay pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi xâm hại trẻ em?
Căn cứ khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ trẻ em 2016 quy định xâm hại trẻ em như sau: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.”
Xâm hại tình dục trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật này.
Cũng theo Điều 25 Luật Bảo vệ trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục sau đây: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.”
Trẻ em bị xâm hại tình dục, bao gồm (Nghị định 56/2017/NĐ-CP): Trẻ em bị hiếp dâm; trẻ em bị cưỡng dâm; trẻ em bị giao cấu; trẻ em bị dâm ô; trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Xâm hại, dâm ô trẻ em
Như thế nào là hành vi dâm ô trẻ em?
Dâm ô được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn về hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi (dâm ô trẻ em) như sau:
Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
- Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
- Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
- Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
- Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
- Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).
Theo thông tin chị đã cung cấp con chị qua nhà bạn chơi nhưng bị anh trai của bạn có hành vi ôm, hôn sờ soạng khắp cơ thể. Những hành vi này được xem là dâm ô trẻ em và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô trẻ em.
Điều 51 Luật Trẻ em 2016 cũng có quy định về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.
2. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.
...
Cho nên đối với trường hợp này chị có thể thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em cho cơ quan công an, ủy ban nhân dân xã để được hướng dẫn hỗ trợ xử lý theo quy định pháp luật.
Tội dâm ô trẻ em theo pháp luật hình sự sẽ bị xử thế nào?
Căn cứ Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:
“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội dâm ô người dưới 16 tuổi (dâm ô trẻ em) khi thực hiện một trong các hành vi dâm ô trẻ em như trên có thể bị phạt tù đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Được ủy quyền lại hợp đồng ủy quyền giải quyết tranh chấp đất đai hay không theo quy định pháp luật?
- Nguyên tắc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư 74/2024 thế nào?
- Cơ sở dữ liệu về các loại tài sản công do cơ quan nào xây dựng? Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công bao gồm cơ sở dữ liệu nào?
- Ngân hàng giám sát là gì? Ngân hàng giám sát được thực hiện lưu ký tài sản của công ty đầu tư chứng khoán không?
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là gì? Nội dung quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm những gì?