Xin cấp lại sổ hộ khẩu khi làm mất có dễ không? Thay đổi thông tin chủ hộ trong hộ khẩu cần tiến hành như thế nào?
Xin cấp lại sổ hộ khẩu khi làm mất có dễ không?
Theo Điều 38 Luật Cư trú 2020 (quy định về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa) thì kể từ tháng 07/2021, các cơ quan Công an sẽ không tiến hành cấp mới sổ hộ khẩu khi bị mất, rách, hỏng. Trường hợp sổ hộ khẩu bị mất, hỏng, rách hay có sai sót thì bạn vẫn cần tiến hành làm thủ tục xin đổi, cấp lại.
Tuy nhiên, bạn sẽ không được cấp Sổ hộ khẩu mới bằng giấy như trước mà cơ quan chức năng sẽ cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu cư trú. Đồng nghĩa với việc toàn bộ thông tin của công dân trên sổ hộ khẩu bị thu hồi đã được cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, khi thực hiện thủ tục như đăng ký thường trú, chuyển nhượng nhà, đất..., thông tin của công dân sẽ được khai thác trên Cơ sở dữ liệu dân cư để xác nhận mà không phải xuất trình sổ hộ khẩu.
Cấp lại sổ hộ khẩu
Đăng ký thường trú không cần sổ hộ khẩu?
Theo khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020 quy định:
"Điều 22. Thủ tục đăng ký thường trú
1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký."
Như vậy theo quy định trên trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đồng thời sẽ thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 37 Luật Cư trú 2020 quy định hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ cập nhật thông tin liên quan đến họ, tên, ngày tháng sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại. Như vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân chỉ cần xuất trình thẻ chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu được các thông tin cư trú, nhân thân.
Thay đổi thông tin chủ hộ trong hộ khẩu cần tiến hành như thế nào?
Căn cứ tại Điều 26 Luật Cư trú 2020 quy định điều chỉnh thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú như sau:
"Điều 26. Điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú
1. Việc điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi chủ hộ;
b) Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
c) Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.
2. Hồ sơ điều chỉnh thông tin về cư trú quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin.
3. Thủ tục điều chỉnh thông tin về cư trú được thực hiện như sau:
a) Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, thành viên hộ gia đình nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh thông tin về chủ hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho thành viên hộ gia đình về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối điều chỉnh thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;
b) Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thay đổi thông tin về hộ tịch, người có thông tin được điều chỉnh nộp hồ sơ đăng ký điều chỉnh thông tin có liên quan trong Cơ sở dữ liệu về cư trú quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan đăng ký cư trú.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh thông tin về hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối điều chỉnh thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh, cập nhật việc thay đổi thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú."
Như vậy để thực hiện điều chỉnh thông tin về chủ hộ, hộ tịch liên quan đến sổ hộ khẩu bạn thực hiện theo các quy định trên. Hồ sơ điều chỉnh thông tin về cư trú, gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin.
Tải về mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú (CT01): Tại Đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bài tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam 9 1 2025? Bài tuyên truyền ngày học sinh sinh viên?
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?