Xử phạt vi phạm về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong sản phẩm điện tử nhập khẩu như thế nào?
- Hóa chất độc hại nào bị giới hạn hàm lượng trong sản phẩm điện tử?
- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong các sản phẩm điện tử nhập khẩu ra sao?
- Xử lý hành vi vi phạm về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong sản phẩm điện tử nhập khẩu như thế nào?
Hóa chất độc hại nào bị giới hạn hàm lượng trong sản phẩm điện tử?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 30/2011/TT-BCT quy định về hóa chất độc hại bị giới hạn trong sản phẩm điện tử, bao gồm:
- Hóa chất độc hại bị giới hạn trong sản phẩm điện, điện tử gồm các hoá chất: Chì (Pb), Cadimi (Cd), Thủy ngân (Hg), Crom hóa trị 6 (Cr6+), Polybrominated biphenyl (PBB) và Polybrominated diphenyl ete (PBDE).
- Hàm lượng các hóa chất độc hại trong các sản phẩm điện, điện tử lưu thông trên thị trường Việt Nam không được vượt quá giới hạn cho phép quy định tại Phụ lục 1, trừ các trường hợp quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.
- Một sản phẩm điện, điện tử được coi là tuân thủ quy định về hàm lượng giới hạn hóa chất độc hại nếu như tất cả vật liệu đồng nhất cấu thành sản phẩm đó tuân thủ hàm lượng giới hạn hóa chất độc hại.
- Khi chưa có Quy chuẩn Việt Nam tương ứng, để đánh giá hàm lượng các chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử, tạm thời áp dụng tiêu chuẩn hiện hành của IEC 62321: Sản phẩm kỹ thuật điện - Xác định ngưỡng của sáu loại hóa chất quy định (tên tiếng Anh là Electrotechnical products - Determination of levels of six regulated substances) hoặc tiêu chuẩn tương đương (được đính chính bởi khoản 1 Điều 1 Quyết định 4693/QĐ-BCT).
Xử phạt vi phạm về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong các sản phẩm điện tử nhập khẩu ra sao?
Căn cứ Điều 6 Thông tư 30/2011/TT-BCT quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm điện tử như sau:
- Đảm bảo các sản phẩm điện, điện tử được nhập khẩu có hàm lượng các hóa chất độc hại không vượt quá giới hạn được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử công bố thông tin chung theo hướng: các sản phẩm điện, điện tử do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu đã tuân thủ quy định của Thông tư này về giới hạn hàm lượng cho phép của các chất độc hại. Việc công bố thông tin thực hiện theo một trong các hình thức sau:
+ Đăng tải trên Website của tổ chức, cá nhân;
+ Thông tin trong tài liệu hướng dẫn sử dụng, có thể dưới dạng sách hướng dẫn sử dụng hoặc giấy tờ hướng dẫn đi kèm sản phẩm;
+ Thông tin ở dạng điện tử (đĩa CD, …);
+ In trực tiếp lên sản phẩm hoặc bao bì.
- Trong mọi trường hợp, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin công bố quy định tại Khoản 2 Điều này.
- Xây dựng hoặc lưu trữ hồ sơ quản lý hàm lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam. Hồ sơ quản lý có một trong các tài liệu:
+ Phiếu kiểm định chứng minh các sản phẩm có hàm lượng hóa chất độc hại không vượt quá giới hạn cho phép được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này;
+ Quy trình quản lý hoặc các tài liệu khác chứng minh các sản phẩm có hàm lượng hóa chất độc hại không vượt quá giới hạn cho phép được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này (được đính chính bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 4693/QĐ-BCT năm 2011).
Xử lý hành vi vi phạm về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong sản phẩm điện tử nhập khẩu như thế nào?
Như trên đã đề cập, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm nhập khẩu sản phẩm điện tử có hàm lượng các hóa chất độc hại không vượt quá giới hạn được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 30/2011/TT-BCT. Nếu không tuân thủ thì theo Điều 20 Nghị định 71/2019/NĐ-CP quy định việc xử phạt khi có hành vi vi phạm quy định về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong các sản phẩm điện tử nhập khẩu, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không lưu trữ tài liệu về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại theo quy định.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không công bố thông tin về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại theo quy định.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng tài liệu về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại theo quy định.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử có hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn hàm lượng cho phép theo quy định.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc tái chế sản phẩm điện, điện tử sản xuất trong nước có hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn hàm lượng cho phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này, trường hợp không tái chế được buộc tiêu hủy;
+ Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất sản phẩm điện, điện tử nhập khẩu có hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn hàm lượng cho phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này, trường hợp không tái xuất được buộc tiêu hủy.
Đây là mức xử phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân thực hiện. Còn tổ chức vi phạm thì sẽ bị xử phạt gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định này).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức thay đổi vị trí việc làm bị chuyển ngạch công chức khi nào? Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển công chức?
- Cán bộ, công chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có nguyện vọng nghỉ làm việc thì xử lý như thế nào theo Nghị định 83?
- Tải mẫu thông báo về việc người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mới nhất? Quy định về việc lựa chọn người bào chữa?
- Ngày yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính tính từ ngày nào? Quyết định buộc thi hành án phải được gửi đến những ai?
- Trực tiếp chung kết lượt về Việt Nam Thái Lan 02 01 AFF Cup 2024? Xem trực tiếp chung kết AFF Cup 2024? Nghĩa vụ của vận động viên đội tuyển quốc gia?